#5 Làm chuyện gì cũng phải nhớ lý do khi bắt đầu

Không biết mọi người có thấy câu nói Trước khi bỏ cuộc, hãy nhớ nhớ đến lý do bắt đầu quen thuộc không? Mình thì không muốn nhắm đến vế đầu tiên nói về việc bỏ cuộc. Mình quan tâm đến câu sau hơn, về chuyện nhớ đến lý do chúng ta bắt đầu như ở trên tiêu đề.

Lý do bắt đầu là mong muốn của bản thân chúng ta khi bắt tay vào làm một chuyện gì đó. Chẳng hạn như vì muốn có những bữa ăn chất lượng mà lại tiết kiệm, chúng ta tập đi siêu thị và tập nấu các món đơn giản. Vì muốn có thêm thu nhập, chúng ta tìm hiểu về các loại hình tiết kiệm và đầu tư. Vì muốn có sức khoẻ, chúng ta duy trì việc tập yoga mỗi ngày.

Bẵng đi một thời gian, khi làm một việc đủ lâu, chúng ta dễ đi chệch hướng so với con đường mà ngày đầu ta định sẵn.

Đối với mong muốn ăn những món ăn chất lượng và tiết kiệm, chúng ta học nấu ăn. Thời gian đầu, chúng ta tận hưởng những món ăn đơn giản nhưng vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng và ta hạnh phúc với nó. Sau đó, ta lên mạng tìm thêm những món ăn mới lạ hơn, khó hơn và cầu kì hơn để nấu thử. Ta muốn đem những món ăn này mời người thân và bạn bè cùng thưởng thức. Chẳng may, khẩu vị của ta không giống với người khác, thế là ta nhận về những lời góp ý và thậm chí là chê bai. Thế là ta nấu nhiều hơn, cố tình nấu những món khó hơn và công phu hơn để chứng minh cho người khác thấy là ta nấu rất ngon. Và quá trình đó tất nhiên là không dễ dàng và thậm chí là rất mất thời gian.

Nhưng chính lúc đó, chúng ta đã đi một con đường sai với mục đích ban đầu của mình. Chính con đường sai đó làm cho ta khó chịu, ta không vui và không hạnh phúc. Ta quên mất cảm nhận và sự hài lòng của bản thân mình.

Đối với mong muốn có thêm thu nhập hàng tháng, ta bắt đầu nghiên cứu các hình thức tiết kiệm và đầu tư với mục tiêu là lãi suất 10% mỗi năm (lãi suất ngân hàng hiện nay là 6-7% / năm). Ban đầu, những khoản đầu tư của ta sinh lời tốt, chỉ trong vòng 2 đến 3 tháng, tài sản đã tăng lên 20 – 30%. Kết quả như vậy đã tốt hơn rất nhiều so với mục tiêu ban đầu. Rồi khi thị trường biến động, phần lời đó chỉ còn 10 – 15%. Ta bắt đầu sinh ra cảm giác lo lắng và cố tìm cách để nó trở về lợi nhuận ban đầu. Cảm giác mất mát đeo bám và chi phối hành động của ta. Đồng thời, nó còn làm ta khó chịu và cáu gắt.

Cũng chính lúc đó, ta đã đi một con đường sai với mục đích ban đầu. Chính sự tham lam đã làm ta quên đi niềm vui đơn thuần ban đầu khi hoàn thành được chỉ tiêu đề ra.

Đối với mong muốn khoẻ khoắn hơn nhờ các hoạt động thể chất, ta bắt đầu duy trì việc luyện tập 30 phút mỗi ngày. Ta ngủ ngơn hơn, ăn ngon hơn và da dẻ cũng cải thiện nhiều hơn. Nhưng vô tình, ta thấy một video chia sẻ quá trình giảm cân của ai đó trên mạng. Ta thấy họ có thân hình đáng mơ ước với nhiều lời ngợi khen và nó khơi lên cảm giác đố kị trong ta. Ta thèm được chú ý và yêu mến giống họ. Ta lao vào tập điên cuồng, nhịn ăn và tìm mua các sản phẩm giảm cân trên mạng. Rồi mỗi ngày việc tập thể dục đối với ta chỉ là cách mà ta chối bỏ vẻ đẹp của chính mình. Ta tạo ra niềm tin rằng nếu không có thân hình như người trong video kia, ta sẽ không đẹp và không được yêu mến.

Nhưng bạn ơi, miễn là bạn đạt được mong muốn tốt đẹp từ ban đầu bạn đặt ra, là chăm sóc cho bản thân mình khoẻ mạnh thì đã là thành tựu lớn lao rồi. Việc cố gắng trở thành ai đó giỏi giang hơn (như ví dụ đầu tiên), có nhiều tài sản hơn một cách tiêu cực (như ví dụ thứ hai) hoặc xinh đẹp theo tiêu chuẩn của số đông (như ví dụ cuối cùng) thể hiện rằng bạn đang không có tình yêu dành cho chính bản thân mình.

Chúng ta kêu gào về việc tìm kiếm tình yêu đích thực, làm sao có được người thương mình. Nhưng chúng ta còn chưa thương chúng ta đúng và đủ, làm sao có thể nhận biết được ai đó dành cho mình?

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Nhà của Di.

Một bài viết khác cũng khá liên quan mình xin để link ở đây.

#4 Chúng ta có đang xin được yêu thương?

2 thoughts on “#5 Làm chuyện gì cũng phải nhớ lý do khi bắt đầu

Leave a comment