#3 Hướng dẫn sống sót cho sinh viên mới toanh – University survival guide for dummies

Chuỗi bài viết này được ra đời để chia sẻ 16 điều mà các bạn sinh viên sẽ rất cần, nhất là các bạn sinh viên năm nhất. Tiếp tục bài viết ở tập số 2, 4 điều mình muốn chia sẻ cho các bạn sinh viên trong tập 3 hôm nay là.

9. Quan tâm đến ngoại hình của mình

Hồi trước, đi học với bộ đồng phục cố định nên chúng ta chẳng cần quan tâm đến ngoại hình của mình làm gì. Tóc tai gọn gàng để đi học là xong. Nhưng Đại học là một xã hội thu nhỏ, và không có gì dễ đánh mất như thương hiệu cá nhân tại thời điểm đó.

Bạn đâu có muốn người ta nghĩ đến bạn là nhớ đến sự luộm thuộm hay mùi cơ thể đúng không?

Mình có một người bạn rất giỏi về công nghệ thông tin, nhưng ấn tượng của mình và những người xung quanh về bạn đó chỉ là hình ảnh bạn ăn uống rất mất lịch sự. Vậy mới nói ấn tượng bề ngoài cũng đóng vai trò quan trọng lắm.

Vậy thì hãy gọn gàng và sạch sẽ mỗi khi đến trường hay khi ra ngoài. Chọn những bộ trang phục phù hợp với nhiều dịp để đỡ tốn tiền mua sắm. Mình thường hay chọn mặc quần jeans và áo thun, áo sơ-mi màu cơ bản như trắng, đen, xanh Navy để mặc được lâu hơn.

Bên cạnh đó, sẽ có rất nhiều dịp bạn mặc áo của một sự kiện hoặc tổ chức nào đó đến trường, và nó vẫn khá là “cool”. Hồi trước mình hay đi họp nên thường mặc áo sơ-mi trắng của Hội sinh viên và mình rất thích những ngày như thế.

10. Bắt đầu tìm hiểu về đối tượng mình muốn bên cạnh dài lâu

Chuyện tình yêu vẫn là một câu chuyện muôn thuở, bất kể bạn ở lứa tuổi nào. Một người Thầy mà mình rất kính trọng ở Đại học đã nói rằng “Việc chọn một người bạn đời khi còn đi ở Đại học là rất quan trọng. Ở đây cả mấy nghìn người mà anh chị còn chưa chọn được, thì sau này đi làm trong cái phòng ban bé tí thì chọn thế nào”.

Hãy bắt đầu suy nghĩ về những điều mà mình muốn ở đối tượng thương yêu, hoặc đơn giản hơn là những điều mà mình không chấp nhận được ở đối tượng thương yêu, chẳng hạn như với mình đó là: không ủng hộ những việc mình làm (vì mình là một người luôn có ý tưởng làm điều này điều nọ), quá rảnh rỗi (vì mình thường rất bận), không có lòng nhân ái (cái này thể hiện ở quan điểm khi trò chuyện), không có chí cầu tiến, keo kiệt (mình thật sự dị ứng với những ai tính toán chi li) và không sạch sẽ (mình cực kỳ dị ứng với mùi cơ thể) và một số điều nữa mà mình chỉ nhớ đến đây thôi.

Khi lưu giữ những suy nghĩ này trong đầu, thì có bất kỳ dấu hiệu nào vi phạm vào những điều trên, bạn sẽ biết đây không phải là người dành cho mình. Đừng dành thời gian để mong chờ ai đó sẽ thay đổi, tin mình đi, bạn không cần phải là đấng cứu thế để hoá giải chúng sinh đâu.

11. Học tốt ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh

Đây cũng là một trong những rào cản lớn nhất đối với các bạn sinh viên và thậm chí là người đã đi làm. Ngôn ngữ là một phương tiện để giao tiếp, và tiếng Anh dùng để giao tiếp với thế giới.

Ngày nay, các trường Đại học đã yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ tiếng Anh với điểm số nhất định thì mới được tốt nghiệp. Một số bạn đã vì không có tiếng Anh mà không lấy bằng Cử nhân / Kỹ sư luôn đó. Nếu thật sự như vậy thì rất uổng vì học 4 năm khó khăn bạn còn làm được, một chút tiếng Anh sao làm khó được bạn cơ chứ?

Bạn không cần phải có IELTS 8.0 mới có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Hãy học theo nhịp điệu riêng của bản thân, chỉ cần bạn giữ suy nghĩ này trong đầu và đừng bỏ quên nó.

Tiếng Anh còn giúp ích rất nhiều cho việc săn học bổng du học, xin việc ở các công ty dùng tiếng Anh và ít nhất là giúp bạn đọc được nhiều thông tin thú vị ở khắp nơi.

Hãy nghiêm túc xây dựng nền móng ngữ pháp cơ bản, từ vựng từ A1 đến C1, C2 (cái này thì từ điển Oxford có sẵn danh sách từ vựng ấy), tập viết câu cho thành thạo và dùng những câu đó trong giao tiếp. Mỗi ngày một chút thì nhiều ngày sẽ gom lại nhiều chút ấy.

12. Đừng rảnh quá nhiều cũng đừng bận quá nhiều

Thời gian của mỗi người là như nhau, nên hãy sử dụng cho hợp lý. Câu này có vẻ sáo rỗng và ai cũng nói, nhưng càng trải nghiệm thì mình càng thấy nó đúng.

Bạn có thể dùng 2 tiếng để lướt FB xem mấy cái clip hài, hoặc dùng 1 tiếng lướt FB và 1 tiếng để học thêm kiến thức mới, hoặc đọc sách, đó là lựa chọn của bạn. Mình tin là lựa chọn thứ 2 sẽ đưa bạn lên một tầm cao mới.

Nếu thấy mình có nhiều thời gian trống, hãy cân nhắc làm thêm việc gì đó: học kỹ năng, học tiếng Anh hoặc đọc thêm một số tài liệu về chuyên ngành của mình.

Nếu thấy mình bận quá, hãy cân nhắc bỏ ra một số việc không cần thiết để cân bằng lại tinh thần và sức khoẻ. Đã bao lâu bạn chưa xem một bộ phim hoặc đi ra ngoài với gia đình và bạn bè?

Hôm nay đến đây thôi. Ngày mai mình sẽ đăng tập cuối cùng của chuỗi bài viết này. Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

One thought on “#3 Hướng dẫn sống sót cho sinh viên mới toanh – University survival guide for dummies

Leave a comment