#2 Hướng dẫn sống sót cho sinh viên mới toanh – University survival guide for dummies

Nếu bạn chưa đọc điều 1 đến 4, mời bạn quay lại đọc bài viết #1 ở đây để có cái nhìn xuyên suốt nha.

5. Chọn bạn và chọn nhóm học tập

Có rất nhiều người bạn sẽ đi cùng ta suốt một quãng thời gian dài đến hơn 10 năm, cũng có nhiều người bạn chỉ đi cùng ta trong quãng thời gian học Đại học. Dù thời gian dài ngắn bao lâu thì tình bạn vẫn là điều đáng quý.

Hãy kết bạn với những ai làm cho chúng ta tốt hơn. Nói câu này thì nghe có vẻ sáo rỗng nhưng những người bạn phù hợp (ta thấy ở họ có điểm tốt để học hỏi và họ cũng vậy) là nguồn động lực rất lớn trong quá trình làm quen với môi trường mới này.

Hồi học Đại học, mình có những người bạn chung lớp, chung khoa và thậm chí là chung trường, khác trường. Không ít thì nhiều, chúng mình đã hỗ trợ nhau rất nhiều trong 4 năm nhiều biến động và thậm chí là đến tận bây giờ.

Nhóm học tập cũng là một vấn đề mọi người nên lưu ý. Hãy học tập và làm việc chung với các bạn có cùng mục tiêu với mình. Nếu như cả nhóm chỉ có 1, 2 bạn nỗ lực còn lại tất cả đều “há miệng chờ sung” thì làm sao mà học hỏi nhau được.

Hãy xem những người bạn của bạn là những đối tác, và dự án mà bạn đang làm là dự án công việc sau này. Bạn sẽ muốn hợp tác với đối tác như thế nào? Bạn có thể đem lại lợi ích gì cho đối tác của bạn và dự án của bạn sẽ được hoàn thành như thế nào?

6. Duy trì lịch học bên cạnh lịch chơi

Hãy sắp xếp thời gian biểu cho hợp lý cho việc học và cả việc giải trí. Đừng dồn việc học của cả một học kì trong 3, 4 ngày và học đến tận gần sáng. Còn những ngày khác thì bạn ngủ li bì đến chiều.

Thời gian biểu rõ ràng sẽ giúp bạn tận dụng thời gian và duy trì được nhịp sinh hoạt. Thức dậy và biết mình cần làm gì ngày hôm đó là một cảm giác rất tuyệt vời. Tin mình đi. Điều này rất quan trọng trong việc duy trì sức khoẻ nữa.

Bạn có thể làm điều đó bằng cách dùng phần Planner trong sổ tay. Ngày nay người ta cũng bán rất nhiều quyển sổ phù hợp với mục đích này. Năm nào mình cũng sử dụng những quyển sổ như vậy và nhìn vào những việc mình đã làm được cũng mang lại cảm giác mãn nguyện lắm đó.

Năm 2 Đại học, mình từng có những ngày đi học đến chiều, học Anh văn buổi tối, rồi ngồi làm bài tập, làm kế hoạch cho Câu lạc bộ mình đang tham gia đến 2h sáng, sau đó ngủ đến 5h lại lót tót chuẩn bị ra bến xe buýt xuống Thủ Đức để bắt đầu tiết học lúc 7h.

Chắc chắn sẽ có những ngày các bạn bận rộn như thế, nên là những lúc nào có thể duy trì được thời gian biểu khoa học thì phải tận dụng ngay. Đừng chỉ lướt điện thoại hoặc chơi game đến khuya, chuyện gì cũng phải cân bằng thì mới tốt được.

7. Tôn trọng Thầy, Cô ở trường Đại học

Đặt câu hỏi và nghi ngờ về những gì mình được dạy sẽ giúp tăng khả năng suy nghĩ cũng như tư duy phản biện. Nhưng chuyện gì cũng phải có khuôn khổ và có lịch sự, nhất là với những người đang truyền dạy kiến thức cho chúng ta.

Mình thấy tất cả mọi người, không chỉ riêng Thầy Cô, ai cũng có những điều gì đó hay ho để mình học hỏi. Huống hồ chi Thầy Cô, những người đã dành rất nhiều thời gian để trau dồi và nghiên cứu, sau đó chỉ lại cho chúng ta những gì mà họ biết. Chúng ta đỡ tốn một khoảng thời gian mắc những sai lầm không đáng có, vì đã được họ nhắc nhở và chỉ bảo rồi. Vậy thì chúng ta phải trân trọng họ chứ? Và cũng đừng mong chờ ai đó phải hoàn hảo mới được dạy hay đứng lớp. Tất cả chúng ta ai cũng cần phải học hỏi mỗi ngày, Thầy Cô cũng đang trên con đường đó ấy, đáng ngưỡng mộ quá phải không?

Mình chưa gặp tình huống này khi đi học nhưng mình đọc được rất nhiều bài báo nói về việc sinh viên vô lễ với giảng viên đang đứng lớp. Đọc các tin tức như vậy mình chỉ thấy buồn thôi. Vì công việc giảng dạy chưa hề là một việc đơn giản, nhất là dạy những kiến thức chuyên môn cao và cho những sinh viên như chúng ta – những người đủ lớn để không thể nào ngồi im lắng nghe như các em học sinh.

Đồng thời, đừng vào lớp chỉ để dùng điện thoại, ăn uống hoặc nói chuyện ồn ào ảnh hưởng đến giảng viên và các bạn sinh viên khác. Như vậy là vô văn hoá chứ không phải chỉ đơn thuần là vô kỷ luật thôi đâu.

8. Tham gia CLB Đội – Nhóm

Nói về việc này, nhiều người sẽ có quan điểm khác nhau. Mình xin chia sẻ đây là quan điểm của mình, là kinh nghiệm mình đã thực sự trải qua với 3 năm công tác ở CLB Tiếng Anh của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, 1 năm Trưởng ban Nội dung, 1 năm Phó Chủ nhiệm và 1 năm Chủ nhiệm.

Khoảng thời gian Đại học, ngoài việc học, việc tham gia các hoạt động xã hội đóng vai trò rất quan trọng đối với mình. Vì mình tin rằng ở đó, mình có thể rèn luyện bản thân và gặp gỡ những con người rất hay ho. Bạn bè hiện tại bây giờ hầu hết đều là những tình bạn mình có từ hồi tham gia CLB đó chứ.

Không có việc gì lại chẳng tốn thời gian, quan trọng là chúng ta đổi thời gian để lấy điều gì? Tham gia hoạt động cho mình kinh nghiệm xã hội, để mình nhìn thấy điểm tốt và điểm chưa tốt của những hoạt động đó. Và nó giống như một xã hội hoặc công ty thu nhỏ, ở đó, bạn được thử và sai và làm lại theo ý của bạn. Mình xin nhấn mạnh là theo ý của bạn.

Ở ngoài xã hội, bạn làm thật và phải làm đúng, và trừ khi bạn làm chủ, còn bằng không bạn phải làm theo yêu cầu của cấp trên. Vậy thì môi trường Đội Nhóm có tốt không, mình xin nhường bạn trả lời.

Hôm nay đến đây thôi. Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

One thought on “#2 Hướng dẫn sống sót cho sinh viên mới toanh – University survival guide for dummies

Leave a comment