#1 Hướng dẫn sống sót cho sinh viên mới toanh – University survival guide for dummies

Đợt nhập học mới dành cho các bạn sinh viên năm 1 đã sắp bắt đầu. Mình hoàn toàn hiểu được những ảnh hưởng sâu rộng của việc thiếu định hướng và chủ quan về tương lai sẽ ảnh hưởng thế nào đến các bạn sinh viên. Do đó, chủ đề này mình xin chia sẻ những quan điểm và những việc mà mình đã làm trong khoảng thời gian 4 năm đại học để có thể đạt được nhiều điều mình mong muốn.

Chuỗi bài viết này có 4 phần, mỗi phần có 4 điều quan trọng. Mình sẽ đăng vào 4 ngày liên tiếp. Cùng tìm hiểu xem những điều mình đề cập là gì nha. Nếu thấy hay, mọi người hãy gửi cho những ai có nhu cầu để các bạn không bị lạc lối trong những ngày sắp tới há.

1. Hỏi khi không biết

Đây là điều đầu tiên cũng là điều rất quan trọng mà không phải bạn sinh viên nào cũng làm. Khi bước sang một môi trường mới, nhất là môi trường hoàn toàn khác so với các cấp lớp, chắn chắn các bạn sẽ có hàng vạn câu hỏi trong đầu.

Cách làm hồ sơ nhập học, cách điền thông tin, cách sử dụng portal, cách tính điểm số, điểm rèn luyện là gì, ngày công tác xã hội là gì, mỗi học kỳ đăng ký bao nhiêu tín chỉ, học phí tính làm sao, đăng ký các thể loại thẻ sinh viên, bảo hiểm y tế. Hoặc khi có nhu cầu xin bảng điểm, xin giấy xác nhận sinh viên thì liên hệ phòng ban nào.

Tất cả những điều đó đều có thể được giải đáp thông qua trang web trường, web khoa hoặc trong buổi sinh hoạt đầu năm được tổ chức cho sinh viên mới. Tuy nhiên, với khối lượng thông tin rất lớn cần phải tiếp nhận trong một vài ngày, các bạn có khi sẽ không hiểu hết. Vậy thì, hãy hỏi, hỏi bạn bè, hỏi anh chị khoá trên, hoặc đặt câu hỏi gửi về email của khoa, của trường.

Tựu trung lại, đừng ngại ngùng khi bản thân có câu hỏi. Việc thắc mắc đồng nghĩa với việc bạn quan tâm đến chuyện học của mình, chứ không phải là bạn yếu kém đâu.

Còn nhớ năm đầu tiên sang Mỹ, mình có rất nhiều giấy tờ và thủ tục để hoàn thành. Vì ý thức được việc phải tự mình hoàn thành, mình đã đọc trước hết tất cả thông tin trên web trường. Đồng thời mình còn email cho Cô ở phòng Đào tạo của khoa để hỏi. Khi sang đến nơi, mình đã ghé thăm Cô và gửi tặng Cô đặc sản Việt Nam và duy trì mối quan hệ tốt với Cô cho đến ngày mình về lại Việt Nam.

2. Đừng vội “xả hơi” khi chưa hiểu rõ luật chơi

Sau một thời gian dài đèn sách mệt mỏi, chắc hẳn mọi người sẽ muốn “xoã” và không cần lo lắng gì nữa cho chuyện học. Nhưng đừng vội vàng như thế. Tất nhiên, các bạn vẫn sẽ nghỉ ngơi và thư giãn, nhưng đừng không làm gì hết trong năm học đầu tiên, vốn là năm học quan trọng vì nó là bước đệm để bạn làm quen và xây dựng sự tự tin ở môi trường mới này.

Hãy tìm hiểu các thủ tục, nắm rõ thông tin về chương trình học, về những yêu cầu điểm số, điểm hoạt động đội nhóm (nhiều trường Đại học gọi là điểm rèn luyện), và tất tần tật những gì bạn có thể biết về trường của mình.

Trong bất kỳ cuộc thi nào, hay trong bất kỳ trò chơi nào, bí quyết để chơi tốt là hiểu luật lệ của nó. Trường Đại học cũng thế. Hiểu biết về tất cả những quy định, quyền lợi và thử thách mình sắp tham gia là cách tốt nhất để chơi tốt và giành chiến thắng.

3. Đừng nghĩ “học Đại học nhàn lắm”

Đồng thời, đừng xem nhẹ những môn Đại cương ở năm nhất và chỉ học cho qua môn. Năm đầu tiên, bạn vẫn còn nhiều nhiệt huyết và sẵn sàng xông pha, tại sao lại buông thả bản thân như thế?

“Học Đại học nhàn” nếu như bạn biết sắp xếp thời gian cho hợp lý. Đa số các bạn sinh viên sẽ chỉ lên lớp để điểm danh, ghi chép cho xong rồi về nhà là không quan tâm gì đến các môn học đó. Hãy dành một ít thời gian để đọc lại, xem lại. Đừng nghĩ mình nói đùa và không ai làm như thế.

Để có thể nhớ những gì đã học và thi thật tốt, không có cách nào khác ngoài việc chăm chỉ cả.

Bạn cũng không cần phải thức đến khuya để học bài. Một ngày đi học sẽ có nhiều thời gian trống, nhất là năm đầu tiên. Hãy tính toán cho mình một thời gian biểu phù hợp.

Trước khi thi học kỳ (thường sẽ được thông báo ít nhất 1 tháng), hãy sắp xếp lịch học sao cho hợp lý mỗi ngày, cân đối đầy đủ các môn để không bỏ sót. Mình đã trình bày lịch thi cụ thể ở bài viết Quy tắc 5 KHÔNG.

Đại học không phải là nơi để chơi, bạn sẽ bị bỏ lại nếu không cố gắng.

4. Cân đối chi tiêu

Bắt đầu tập làm người trưởng thành (mình gọi người trưởng thành chứ không phải là người lớn, vì lớn lên không đồng nghĩa với trưởng thành), nhiều trách nhiệm không tên sẽ đặt lên vai các bạn. Mình hiểu điều đó không dễ dàng gì.

Các bạn sẽ muốn đi làm thêm để kiếm tiền sinh hoạt và thi thoảng đi ăn uống với bạn bè mà không phải xin cha mẹ. Mong muốn đó hoàn toàn hợp lý. Nhưng ngẫm kỹ lại xem, có phải mục tiêu các bạn học vất vả như thế này là để có môi trường học tập tốt theo đúng chuyên môn mà mình thích hay không? Nếu vậy, việc đi làm thêm đến mệt phờ, không còn sức lực để đến trường có đúng đắn hay không?

Hãy tập tính toán lại chi tiêu của mình, dùng các ứng dụng như Money Lover hay Monny để quản lý chi tiêu. Đồng thời, hãy tìm hiểu về tiết kiệm và đầu tư. Vấn đề tài chính luôn là chủ đề cần được dành nhiều thời gian để nghiên cứu. Đã đến lúc các bạn có một khoản tiền phòng thân cho mình rồi đó.

Nếu như lúc nào các bạn cũng có sẵn một khoản tiền phòng thân cho mình, không ít thì nhiều các bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi ăn uống với bạn bè hoặc thỉnh thoảng mua cho mình vài món đó yêu thích.

Hồi xưa, mình luôn có một khoản tiền dành dụm phòng trường hợp bất trắc và một khoản tiền thưởng cho bản thân mỗi tháng để mua sách và mỹ phẩm đó. Ai cũng tưởng là do gia đình nhưng toàn tiền mình tự kiếm đó. Mình đã dạy thêm tiếng Anh cho các anh chị sinh viên (cần tiếng Anh để tốt nghiệp Đại học) từ hồi còn học cấp 3, thiết kế các poster và sau đó mình dạy luyện thi Đại học, dạy cho Topica cho đến khi ra trường.

Hôm nay đến đây thôi. Hẹn các bạn vào ngày mai với phần tiếp theo nha.

Mình mong là dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì mọi người cũng đều được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

3 thoughts on “#1 Hướng dẫn sống sót cho sinh viên mới toanh – University survival guide for dummies

Leave a comment