Làm gì trong phòng phi (Ôn thi #3)

Mình tổng hợp lại bí kíp ôn thi mùa số 3. Đây là giai đoạn trong phòng thi nên xử lý như thế nào.

Today Exam GIF - Find & Share on GIPHY

Đừng nhồi nhét

Trong ngày thi, nếu như có điểm nào mình chưa nắm hết, hoặc chưa học kịp, mình sẽ cho qua. Theo tiêu chí của mình, những phần quan trọng đã được học kĩ hết rồi. Những cái chưa học xong thì không quan trọng. Mình thà làm đúng hết 9 điểm còn hơn là làm được câu lấy điểm 10 nhưng sai mấy phần trên. Mình không cố gắng học đến giờ phút cuối cùng trước khi vào phòng thi. Mình để đầu óc thư giãn để có thể sáng suốt nhất khi làm bài.

Hiểu luật chơi

Phải nắm được đề thi hôm đó là trắc nghiệm hay tự luận, cần chuẩn bị dụng cụ học tập nào đặc biệt không. Tránh trường hợp phải mượn bút hay thước trong phòng thi.

Hiểu rằng đề thi có phần nhiều điểm, phần ít điểm. Phần nhiều điểm nếu mình làm hết thì có đủ điểm như yêu cầu của bản thân chưa. Cần làm thêm câu nào nữa không? Mỗi câu làm đúng được bao nhiêu? Nếu như có 50 câu trắc nghiệm, mình cần 9 điểm, thì chỉ được sai 5 câu. Đây là phép tính đơn giản bạn cần làm trước khi thi để biết kì vọng của mình như thế nào. Nếu chỉ cần 6 điểm, hà cớ gì phải làm các câu khó? Đảm bảo mình làm đúng câu dễ trước đã. Hiểu bản thân như vậy cũng là cách tốt để mình biết nên tập trung học gì trước khi thi. Rất nhiều bạn nhận đề thi là cắm đầu làm ngay mà chưa biết đề có mấy trang, dễ khó ra sao. Dẫn đến chuyện làm sót, làm không kịp giờ.

Hồi thi Đại học năm 2013, mình có mục tiêu từ đầu là Toán 8 điểm cho cả khối A và B. Mình dự định chỉ làm 8 câu, bỏ câu Giải phương trình và Bất đẳng thức. Kết quả mình chỉ làm vào giấy thi 8 câu, hết 1 tiếng 30 phút trong tổng thời gian 3 tiếng. Mình được 8 và 8.5 cho môn Toán (do có câu Giải phương trình mình vọc vọc được 1/2 nên được thêm 0.5 điểm).

Phân tích đề thi

Nhận đề rồi, đọc sơ qua một chút để xem đề như thế nào thì sẽ đến bước này. Với mỗi câu, mình sẽ suy nghĩ sơ một chút để hình thành cách giải. Câu nào chưa giải được, mình đánh dấu sao kế bên số câu đó.

Với trắc nghiệm, mình vào làm bài ngay nhưng không dừng quá lâu ở câu. Câu nào nhìn vào bấm máy tính được ngay mình mới giải. Còn mà phải suy nghĩ hay nháp nhiều, mình sẽ đánh dấu làm sau. Bước này là bước làm bài lần 1 để tránh tâm lý hoảng loạn, sẽ dễ làm sai mấy câu sau.

Làm đến đâu, chắc đến đó

Không bao giờ mình mang tâm lý cứ làm nhanh nhanh đã, tí kiểm tra lại sau. Vì một khi đến bước kiểm tra lại, mình khó lòng nhận ra lỗi sai của chính mình lắm. Hoặc tệ hơn là không có tâm trạng kiểm tra lại từng dòng ấy. Mình thường bảo đảm sẽ làm cẩn thận từng dòng một trước, vừa làm vừa kiểm tra trước khi làm bài khác để tránh sai sót.

Đối với trắc nghiệm, ngàn vạn lần đừng ỷ y vào lúc kiểm tra lại. Kiểm tra lại là kiểm tra coi có làm sót không, câu nào đánh dấu sao mà chưa giải không. Không phải để kiểm tra cách làm.

Không đứng núi này trông núi nọ

Đừng làm câu 2 mà vẫn nghĩ đến câu 1. Hãy đánh dấu sao và để đó nếu bạn không muốn mình làm sai luôn cả 2 câu.

Tin vào trực giác của mình

Nếu như phân vân giữa 2 đáp án, hãy chọn đáp án đầu tiên. Trừ khi có đủ dữ kiện chắc chắn đáp án thứ 2 là đúng, đừng thay đổi. 100 trường hợp đổi đáp án đều là sai. Nếu khi mình không chắc, thì thà chọn theo linh cảm chứ nhỉ?

Viết thật cẩn thận

Đây không phải cuộc đua marathon, không cần trối chết viết nguệch ngoạc như vậy chứ? Viết rõ ràng, tránh bôi xoá gây thiện cảm khá lớn cho người chấm cũng như hạn chế lỗi sai do nhìn nhầm của mình.

Tận dụng thời gian

Nếu có 2 tiếng để làm bài, đừng nộp sớm để ra sớm ngồi chơi. Đi thi là dùng hết thời gian được cho để tập trung vào bài làm. Học cả một học kì mới đi thi có 2 tiếng thì đã là gì đâu, đúng hông?

Một vài kinh nghiệm phòng thi của mình. Mình mong là dù có thế nào chăng nữa thì mọi người sẽ được sống trong những điều tốt đẹp và hạnh phúc.

Di.

Leave a comment